Truyền thống người Á Đông có khá nhiều các phong tục tập quán nên việc hiểu và biết rõ hết tất cả là điều khó có thể làm được. Trong đó thì có một phong tục rất quan trọng mà các gia chủ cần lưu ý, cẩn trọng hết sức đó là phong tục tang ma. Phong tục tang ma không chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa phong thủy của người Việt ta mà nó còn thể hiện được sự tôn trọng, thành kính phân ưu của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Cùng tìm hiểu tất tần tật về phong tục tang ma của người Việt và những lưu ý xoay quanh qua bài viết dưới đây.

Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết
Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết

>> Xem thêm: Cách xả tang tại nhà hiện nay.

1. Phong tục tang ma là gì?

Phong tục tang ma là phong tục tiễn đưa của người sống thực hiện với người vừa mất với nhiều quy trình, nghi thức khác nhau được chuẩn bị kỹ càng để thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất.

Từ lâu, trong tiềm thức của người Việt Nam thì linh hồn con người là một thứ vô cùng thiêng liêng và cao cả. Họ luôn tâm niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, con người khi sang thế giới bên kia cần được chôn cất, an táng cẩn thận mới có thể rời xa cõi trần tục và yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

2. Ý nghĩa phong tục đám tang người Việt

Nghi thức phong tục tang ma được xem như sự tôn trọng và thành kính mà người còn sống dành cho người vừa mới qua đời. Đối với tập quán của người Việt Nam ta, linh hồn con người là một thứ vô cùng thiêng liêng và cao cả. Vậy nên việc tổ chức tang lễ cho người đã khuất cũng như chuẩn mực đạo đức in sâu trong tiềm thức của mỗi người từ xưa đến nay.

Bên cạnh đó, tang lễ còn mang ý nghĩa như cách thể hiện tình cảm chân thành của gia đình, người thân, bạn bè, xóm giềng đến người đã khuất. Người Việt còn sử dụng hình thức phúng điếu như một sự cảm thông sâu sắc. Số tiền phúng điếu cũng sẽ dùng để góp phần lo hậu sự tang gia trong lúc gia quyến bối rối.

Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết
Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết

>> Xem thêm: Nghi lễ truyền thống trong đám tang cần biết.

Về khía cạnh tâm linh, khi người đã mất tức là hồn lìa khỏi xác, phần xác thịt sẽ bị phân huỷ nhưng linh hồn vẫn sẽ tồn tại mãi. Vậy nên người ta mới tổ chức tang ma để làm lễ, cúng kiếng cho linh hồn đó sớm được siêu thoát.

3. Các nghi thức trong phong tục tang ma của người Việt

Việc sửa soạn lễ tang được xem là một trong những việc làm thể hiện sự tôn trọng, thành kính mà người sống dành cho người mới mất. Ở một số vùng miền sẽ có nghi thức, cách tổ chức đám tang khác nhau. Tuy nhiên, nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt Nam về cơ bản đều phải trải qua các quy trình sau đây:

3.1. Nghi thức chuẩn bị trước khi an táng

Các nghi thức chuẩn bị trước khi an táng của phong tục tang ma mà gia quyến nên biết đề phòng trường hợp thiếu sót:

  • Phát tang: Theo phong tục tang ma thì trước khi an táng tang chủ làm lễ phát tang. Số khăn tang và mũ mấn  được đặt trên hương án, số lượng đủ với số con cháu. Lúc làm lễ, tang chủ và con cháu quỳ trên chiếu để thực hiện lễ phát tang. Khi làm lễ xong con cháu sẽ được tang chủ phát khăn tang. Những người vắng mặt trong tang lễ thì khăn tang sẽ được giữ lại. Con trai, con gái và con dâu đều thắt khăn tang. Đồng thời đội mũ mấn và buộc một vòng dây chuối ngang người. Riêng con rể chỉ khăn tang mà không đội mũ mấn. Trong tang lễ con, cháu quấn khăn trắng, chắt thì khăn vàng, chít thì đội khăn đỏ.
  • Trùng tang: Đây là hiện tượng người thân  vừa mất, sau một thời gian ngắn người trong gia đình cũng mất theo. Theo quan niệm ở một số vùng miền, con cháu nên ghi nhớ về ngày giờ của người mới mất để xem có rơi vào thời gian xấu hay không mà tìm cách hóa giải.
  • Lập bàn thờ tang: Gia đình nên đặt giường của linh hồn ở phía đông, gối và màn để ở vị trí cũ. Bàn thờ đặt trước linh cửu và ở giữa đặt thêm bài vị ghi rõ họ tên cùng di ảnh của người đã mất.
  • Hạ tịch: Đây là nghi thức phải chuẩn bị trước khi an táng với hàm ý con người ta sinh ra từ đất thì khi mất cũng sẽ trở về với đất. Gia đình sẽ trải chiếu xuống đất, đặt thi thể nằm ở đó một lát rồi mới đưa lên với mong muốn sẽ hoàn sinh khí cho người đã khuất.
  • Cáo phó: Đây là một tờ thông báo được dán trước nhà có tang gia để thông báo cho mọi người biết. Trên đó sẽ ghi rõ thông tin người mới mất và thời gian thực hiện tang lễ, địa điểm chôn cất.
  • Khâm liệm và nhập quan: Trong nghi thức này, gia đình sẽ dùng tấm vải trắng quấn quanh người chết. Sau khi khâm liệm và nhập quan xong, gia quyến đứng xung quanh và nâng người chết bằng tấm vải tạ quan rồi mới đặt vào trong quan tài.
  • Phúng điếu: Đây là một phong tục đặc trưng luôn có trong đám tang của người Việt Nam. Những người đến thăm viếng sẽ kèm theo phúng điếu bằng tiền, hoa quả, nhang đèn,… như một hình thức hỏi thăm, chia sẻ và bày tỏ niềm xót thương với gia quyến.
  • Tế vong: Vào buối tối, khi tang lễ đã vãn người đến phúng viếng thì phường hiếu sẽ làm lễ tế vong. Đối diện bàn thờ vong, người ta kê một chiếc bàn. Trên bàn bày một bình hương, một chai rượu nhỏ, một đĩa xôi và một đĩa thịt luộc. Chủ tế lần lượt dâng từng thứ tự lên bàn thờ vong, mỗi lần dâng sẽ có một bài tế riêng.
  • Quay cữu: Đúng 12 giờ đêm, tang gia sẽ tiến hàng phong tục tang lễ quay cữu (xoay chiều quan tài). Trước khi quay cữu, tang chủ phải làm lễ tế. Quan tài được quay theo chiều ngang của ngôi nhà, đầu hướng vào phía ban thờ, chân hướng ra cửa. Quay cữu xong, mọi người có thể đi nghỉ ngơi.
  •  Tế cơm: Sáng hôm sau, tang chủ cần làm lễ tế cơm trước khi cất đám khoảng 1 giờ. Cơm tế gồm một bát cơm tẻ, một quả trứng luộc, một đĩa muối trắng và một chén nước. Tang chủ tế và lần lượt dâng từng thứ một lên bàn thờ vong. Người xưa cho rằng, đó là cho người quá cố ăn no trước khi sang thế giới bên kia.

3.2. Nghi thức an táng

Trong phần nghi thức an táng của phong tục tang ma, gia quyến cần đặc biệt chú ý đến một số điều dưới đây:

  • Cất đám: Sau khi chuẩn bị xong nghi thức an táng, thầy cúng tiến hành đọc văn tế và phạt mộc. Sau đó, đậy kín nắp quan tài và khởi hành đám tang.
  • Hạ huyệt: Huyệt sẽ được con cháu đào từ hôm trước khi đúng phong tục tang lễ. Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em, con cháu.  Điều này thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Nếu trường hợp an táng vĩnh viễn, mộ sẽ được xây dựng chắc chắn. Nếu chôn theo tục cải táng thì mộ chỉ đắp sơ sài rồi phù cỏ. Khi xong tang lễ, phải về bằng con đường khác lúc đi và cũng không khóc nữa, vì như vậy hồn người chết sẽ biết mà theo về. Ngày nay nhiều người chọn an táng người thân ở nghĩa trang. Vì thế mà việc chôn cất cũng thuận tiện và trang trọng hơn.
  • Rước di ảnh về: Gia đình mang di ảnh của người mất về để lên bàn thờ tiếp tục lo việc nhang khói và cúng viếng.

3.3. Nghi thức sau đám tang

Dưới đây là những phần nghi thức sau đám tang không thể thiếu trong phong tục tang ma của người Việt Nam:

  • Cúng 3 ngày (đi đắp mộ): Ba ngày sau tang lễ, gia đình tiến hành đi đắp lại mộ để mộ cao và đẹp hơn. 
  • Cúng tuần đầu: Sau khi an táng cho người đã khuất xong, gia đình tiến hành lễ cúng đầu tuần. Lễ này có thể làm tại nhà không cần thiết phải ra mộ.
  • Cúng 49 ngày: Sau 49 ngày, con cháu làm lễ cúng tại nhà và có thể rước vong linh lên chùa đối với những người đã quy y.
  • Cúng 100 ngày: Lễ này cũng giống như lễ 49 ngày nhưng thường được tổ chức lớn hơn. Thông thường, sau 100 ngày thân nhân thì không phải cúng cơm và người quá cố được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên.
  • Giỗ đầu: Là buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời có ý nghĩa rất quan trọng với người Việt. Lễ này thường được gia đình tổ chức long trọng, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa và anh em bằng hữu về dự giỗ.
  • Cải táng (xả tang): Nghi thức này sẽ tùy thuộc vào từng hình thức an táng người mất. Sau khi mất được ba năm, người nhà sẽ làm lễ mãn tang cho người đã khuất.
Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết
Phong tục tang ma của người Việt mà các gia chủ nên biết

>> Xem thêm: Những điều cấm kỵ khi nhà có tang cần biết.

4. Để tang trong thời gian bao lâu?

Trước đây, phong tục tang ma về việc để tang ở nước ta theo Thọ Mai Gia Lễ được phân làm hai loại: đại tang và tiểu tang. Cụ thể như sau:

  • Đại tang: Thời gian để tang đại tang là 3 năm nhưng trên thực tế thì nhiều gia đình chỉ để tang đến tháng 27. Thông thường, những người để đại tang dành cho người mất là cha mẹ ruột, con dâu để tang bố mẹ chồng, vợ để tang chồng, cháu đích tôn hoặc cháu thừa trọng để tang ông bà.
  • Tiểu tang: Thời gian để tang tiểu tang từ 3 tháng đến 1 năm tùy vào thân sơ mà thời gian sẽ khác nhau.

5. Lưu ý trong nghi thức khâm liệm của phong tục tang ma

Trong phong tục tang ma, nghi thức khâm liệm rất quan trọng nên gia quyến cần chú ý một số điều dưới đây:

  • Tránh để nước mắt rơi vào thi thể trong đám ma: Nếu để nước mắt rơi vào thi thể lúc khâm niệm sẽ dễ gặp trường hợp quỷ nhập tràng, gia đạo bất ổn và con cháu đời sau khó ăn nên làm ra.
  • Không để chó mèo tới gần thi thể: Khi chưa đặt thi thể vào quan tài thì gia đình tuyệt đối không để chó mèo đến gần tránh trường hợp người chết bật dậy.
  • Không sử dụng gỗ cây liễu để đóng quan tài: Theo phong tục xưa, gỗ cây liễu không có hạt nên không được sử dụng để đóng quan tài vì sợ thế hệ sau sẽ không có người nối dõi. Gia quyến có thể chọn gỗ của cây bách, cây tùng để làm quan tài.

Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về phong tục tang ma của người Việt, tuy nhiên mỗi một vùng miền, mỗi một địa phương có thể sẽ có thêm một số thủ tục khác, cũng như là không có một, hoặc một vài thủ tục ở trên đây, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo cho quý vị độc giả, còn khi gia đình gia chủ có tang gia, vẫn nên mời các thầy cúng, các bậc tiên chỉ, trưởng bối trong họ để xử lý tang lễ một cách chính xác, chuẩn chỉ nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *