Bốc mộ là một phong tục đã tồn tại từ lâu và được xem như cách thể hiện sự hiếu nghĩa, trọn đạo hiếu của người còn sống đến người mất. Song, dù là phong tục nhưng không phải ai cũng biết cách bốc mộ đúng nghi thức. Vậy, khi bốc mộ cần chuẩn bị những gì và cần biết những điều gì? Hãy cùng tìm hiểu về phong tục bốc mộ qua bài viết này nhé!

>> Xem ngay: Cách xem tuổi để xây sửa mộ cho người thân.
Ý nghĩa của việc bốc mộ
Việc bốc mộ (hay còn được gọi là cải táng, sang cát) là cách mà người ta thể hiện sự quan tâm, biết ơn đến người thân đã mất. Hoạt động này được xem như cách để giúp người đã khuất an tâm ra đi thanh thản hơn.
Bốc mộ được xem là hành động thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của con cháu với người đã mất.
Thông thường, việc bốc mộ không được thực hiện ngay mà phải sau thời gian 3 năm kể từ khi người thân mất. Và để hoạt động này diễn ra, con cháu cần lựa chọn ngày lành tháng tốt, sau đó tiến hành làm lễ tế bái rồi tập hợp đông đủ con cháu trong nhà mới tiến hành cải táng.
Bốc mộ cần chuẩn bị những gì?
Trước khi bốc mộ, gia đình cần phải xem ngày và chọn ngày lành tháng tốt, hợp với tuổi và mệnh của người đã khuất (một số gia đình sẽ chọn ngày dựa vào tuổi của trưởng nam bởi họ quan niệm, con trai trưởng sẽ gánh mọi điều may rủi của dòng tộc). Tốt nhất, gia đình nên bốc mộ vào mùa thu bởi đây là thời điểm có thời tiết thuận lợi, đồng thời nên bốc mộ vào ban đêm hoặc rạng sáng để xương cốt không bị đen do gặp phải ánh nắng Mặt trời.
Vậy, khi bốc mộ cần chuẩn bị những gì?
Khi bốc mộ cần chuẩn bị những gì?
Quách
Quách chính là quan tài chứa thi hài của người đã khuất sau khi bốc mộ. Thông thường, người ta sẽ chọn quách được làm bằng chất liệu gỗ bởi nó có thể chịu được môi trường ẩm ướt trong thời gian dài mà không bị mối mọt. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng các chất liệu khác như sứ, xi măng, sành, đá,… thay cho chất liệu gỗ.
Tiểu
Đây là chiếc hộp được làm bằng chất liệu gỗ, sứ, sành,… dùng để chứa trực tiếp xương của người đã mất (khá giống với hũ cốt). Sau khi bốc xương cốt người mất, con cháu sẽ đặt vào vào tiểu rồi mới đặt vào trong quách.
Giấy tráng kim
Đây là loại giấy có màu vàng, dùng để bốc bát hương, sau đó cho vào tiểu trong quá trình bốc mộ. Lớp giấy này được xem như màng bọc bao quanh hài cốt của người mất, có khả năng phân hủy và để lại phần kim loại cùng với hài cốt của người được bốc mộ.
Ngoài quách, tiểu và giấy tráng kim, gia đình cũng cần chuẩn bị thêm các vật dụng như thất bảo, hoa cúc khô, vải áo bọc cốt, đồng trinh, tiền cổ, đá thạch anh ngũ sắc, ngũ vị hương (dùng để rửa xương cốt), quế thơm đun nước (để lau chùi tiểu, quách), nêm gỗ,…
>> Xem ngay: Nứt vỡ bia mộ là điềm báo gì?
Thời gian bốc mộ
Vậy câu hỏi được đặt ra tiếp sẽ là thời gian bốc mộ vào lúc nào thì hợp lý và tốt nhất? Và cần tránh “ điềm xấu” gì không?
Khi nào thì nên bốc mộ?
Theo phong tục Việt Nam, thời gian phù hợp để bốc mộ hay tiến hành sang cát phần mộ là sau ba năm kể từ khi chôn cất.
Tuy nhiên, nếu gặp phải một trong những vấn đề sau, người thân nên thực hiện việc cải táng phần mộ của tổ tiên ngay lập tức mà trước hết là thủ tục xin phép bốc mộ.
- Phần mộ vô cớ nứt vỡ, sụt xuống; cây cối xung quanh mộ vô cớ bị chết khô.
- Khu đất chôn bị trũng, bị nước lụt hoặc có nhiều mối, kiến.
- Gia đình gặp nhiều tai vạ, con cái trong nhà vô cớ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, công việc trắc trở, không suôn sẻ, gia đình lục đục.
- Hung sự liên tiếp xảy đến, trong nhà có hai người trở lên qua đời tại độ tuổi không quá 50 trong vòng 5 năm trở lại.
- Gia đình có nhiều người học hành thi cử lận đận, tài vận không thông, hao tán của cải, kinh doanh bất lợi.
- Gia đình có người thường xuyên bệnh tật hoặc mắc bệnh quái dị, chữa trị lâu dài mà vẫn không khỏi.
- Trong nhà có từ hai người trở lên bị tàn tật, không phải do di chứng, di truyền.
- Người nhà muốn cầu công danh, phú quý, nhờ chuyên gia phong thủy tìm vị trí đắc địa để đặt phần mộ của gia tiên.
Ngoài ra, tùy theo phong tục, tập quán của từng địa phương, việc tiến hành cải táng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Thời gian tốt nhất trong năm để tiến hành cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Phải nhờ thầy phong thủy xem tuổi của vong và tuổi trưởng nam để tìm ngày tốt. Sau khi chọn được ngày bốc mộ, cũng phải chọn xem giờ bốc mộ, nhưng phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi không có ánh sáng mặt trời, tránh cho xương cốt gặp ánh sáng mặt trời sẽ bị đen, bị hỏng.
Khi nào không nên bốc mộ?
Tuy nhiên, trước khi thực hiện thủ tục bốc mộ, nếu gặp một trong số những vấn đề dưới đây, người thân không nên thực hiện sửa sang phần mộ của người đã khuất.
- Không nên bốc mộ khi ngôi mộ là mộ kết.
- Mộ kết là phần mộ được hấp thụ được linh khí của trời đất. Khi kiểm tra mộ kết bằng phương pháp ngoại cảm, người kiểm tra cần cảm nhận được vượng khí ngôi mộ tỏa ra. Hoặc khi quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy ngôi mộ ngày càng nở to ra, cây cỏ mọc nhanh, tươi tốt.
- Có rắn vàng xuất hiện khi đào đất quanh mộ, người xưa cho rằng đó là long xà khí vật.
- Có dây tơ hồng quấn quanh khi mở nắp quan tài. Đó cũng là một trong những dấu hiệu của mộ kết.
Khi gặp phải một trong số các dấu hiệu này, tốt nhất, gia đình không nên tác động vào phần mộ, đặc biệt là trường hợp mộ kết, tránh gặp nhiều tai họa, rắc rối trong cuộc sống gia đình về sau.
Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển mộ, người thân nên mời thầy phong thủy đến xem. Đồng thời sử dụng những phương thức phong thủy rất phức tạp mới có thể tiến hành di dời, cải táng.
Nghi thức trước khi bốc mộ
Bốc mộ là hoạt động di dời xương cốt người đã khuất từ vị trí này sang vị trí khác nên trước khi thực hiện, đội ngũ bốc mộ và gia đình, con cháu người mất cũng cần phải tổ chức nghi thức, thủ tục.
Các lễ vật cần chuẩn bị khi cúng bốc mộ
Trước khi bốc mộ, con cháu, gia đình người mất cần chuẩn bị các lễ vật sau để dâng lên Trời Đất và người thân:
- Củi:
- Rượu: 2 lít.
- Nước sạch: 50 lít.
- Nước vang: 50 lít.
- Chậu to mới: 3 chậu.
- Bàn chải đánh răng mới: 1 cái.
- Bàn chải to mới: 2 cái.
- Khăn mặt mới: 10 cái.
- Tráng kim: 20 tờ.
- Vải điều: 1 vuông.
- Xôi
- Gà luộc trống nguyên con
- Muối, gạo
- Trầu cau
- 1 bộ đồ Quan Thần Linh: Áo, mũ, ủng
- Vàng hoa đỏ, tiền giấy
Văn khấn khi bốc mộ
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
Con lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con kính lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ tỷ.
Hôm nay là ngày … .tháng … năm …, tại tỉnh … huyện … xã … thôn …
Hiển khảo (hoặc tỷ) … mộ tiền.
Than rằng: Thương xót cha (hay mẹ) xưa, vắng xa trần thế.
Thác về, sống gửi, đất ba thước phải vùi chôn.
Phách lạc hồn bay, hình trăm năm khó gìn để.
Lúc trước việc nhà bối rối, đặt để còn chưa hợp hướng phương.
Tới nay, tìm đất tốt lành, sửa sang lại, cầu an hình thể.
Rày thân: Phần mộ dời xong, lễ Ngũ kính tế.
Hồn thiêng xin hưởng, nguyện cầu vĩnh viễn âm phần.
Phúc để di lưu, phù hộ vững bền miêu duệ.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Theo phong tục tập quán trước và sau khi dời mộ phải khấn trình với Long mạch, Sơn thần và Thổ thần nơi cũ và nơi mới. Dưới đây, là văn khấn Long Mạch, Sơn thần và Thổ thần.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy các ngài Long Mạch, Sơn Thần, Thổ địa, Thần linh cai quản trong xứ này.
Hôm nay là ngày … tháng … năm …
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại …
Nhân hôm nay ngày Cải Cát (dời mộ, sửa mộ) của … mộ phần tại …
Chúng con cùng toàn thể gia quyến tuân theo nghi lễ sắm sửa hương hoa lễ vật dâng lên án toạ Tôn thần cùng chư vị uy linh, kính cẩn tấu trình.
Kính cáo Sơn Thần, Thổ Thần, Long Mạch và các vị Thần linh, cúi xin chứng minh, phù hộ cho toàn gia chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Xin phép bốc mộ như thế nào?
Khi tiến hành xin phép bốc mộ, người thân cần thực hiện các điều như sau:
Cúng thổ công
Cúng thổ công là một thủ tục không thể bỏ qua khi muốn thực hiện bốc mộ cho người thân. Đây là một cách để xin phép thần linh canh giữ mộ cho gia chủ được tác động đến mộ.
Khi cúng thổ công, người thân cũng cần phải dựa theo văn cúng rõ ràng và thể hiện lòng thành kính. Đồng thời, cũng cần chuẩn bị đồ cúng đầy đủ như hoa quả, rượu, nhang vàng, bàn chải, chậu…
Ngoài ra, ở nhiều nơi, khi muốn bốc mộ, gia chủ còn cần phải xin phép ủy ban nhân dân phường, xã.
Chọn vị trí đặt mộ
Khi chọn vị trí đặt mộ, người thân nên chọn nơi chôn mộ chưa từng được đào xới, đất rắn chắc. Ở các vùng đồng bằng, đất tốt thường là đất có màu vàng, tươi mịn, đào lên có 6-7 tầng đặc quánh. Tuyệt đối không nên chọn những nơi có đất tơi xốp bởi theo phong thủy, vị trí này không tốt cho người đã mất.
Chọn lựa vị trí và hướng của Huyệt mới, đến trước ngày cải táng thì tiến hành đào, xây đắp Huyệt mới trước đêm. Dọn cỏ, chặt cây bên mộ huyệt cũ và mới từ sáng sớm để thuận tiện cho công việc ban đêm.
>> Xem ngay: Cách chọn hướng và phong thủy đặt mộ phần phù hợp tuổi gia chủ.
Quy trình tiến hành bốc mộ
Quy trình bốc mộ sẽ được diễn ra như sau:
- Trước khi mở nắp quan tài, người trong gia đình phải đổ một ít rượu lên trên áo quan nhằm mục đích xua đuổi âm khí.
- Tiếp đó, những người có kinh nghiệm sẽ mở nắp quan tài để lấy hài cốt ra. Hài cốt sẽ được rửa sạch bằng nước vang trong chậu sạch đã được chuẩn bị trước đó.
- Cuối cùng, lau khô xương cốt rồi đặt vào Quách. Trong quá trình rửa hài cốt, người thân của người đã mất sẽ cắm một bó hương vào giữa đáy huyệt vừa đào.
- Cuối cùng, di chuyển Quách đến vị trí mới để tiến hành chôn cất.
Lễ tạ mộ
Sau khi hoàn tất nghi thức, thủ tục xin bốc mộ, gia đình người mất sẽ làm lễ tạ mộ để bày tỏ lòng thành đến người đã khuất cũng như xin thần linh phù hộ mộ phần. Lễ này sẽ bao gồm 4 phần: kính lạy quan tầng thổ địa, thần linh; tiết chủ, lý do tạ mộ; cầu; tạ mộ.
Những lưu ý khi thực hiện quy trình bốc mộ.
Sau đây là những điều cần phải lưu ý trong quy trình bốc mộ cho người đã khuất:
- Kiểm tra mộ: Trước tiến hành quy trình bốc mộ sang cát, người thân cần kiểm tra mộ kỹ càng. Cần quan sát những dấu hiệu ngôi mộ xem có nên hoặc không nên bốc mộ hay không.
- Chọn thời điểm bốc mộ: Thời điểm bốc mộ thường sẽ dựa vào thời gian tiến hành chôn cất và tình trạng của phần mộ đó.
- Tìm vị trí đặt mộ mới:Nên tìm vị trí đặt mộ ở các nơi hội tụ những yếu tố phong thủy tốt. Điều này sẽ giúp gia chủ gặp vận may, thuận lợi trong cuộc sống.
- Chọn ngày tốt và giờ bốc mộ: Thời gian bốc mộ cũng là một lưu ý quan trọng trong quy trình bốc mộ sang cát. Thường thì sẽ được tiến hành vào ban đêm để tránh làm xương cốt của người đã mất bị đen. Ngoài ra, khi chọn ngày, giờ bốc mộ cần phải phù hợp với cả tuổi của người đã khuất và tuổi của con trai trưởng trong gia đình.
- Trước và sau khi tiến hành bốc mộ sang cát, phải tiến hành đầy đủ các thủ tục cúng, lễ, đồng thời chuẩn bị văn khấn và sắm lễ vật đầy đủ.
>> Xem ngay: Nguyên tắc phong thủy trong xây dựng mộ phần cần biết.
Những điều cần kiêng kỵ khi đi bốc mộ
Bốc mộ là một phong tục tâm linh nên khi tham gia bốc mộ, gia đình cần chú ý những điều sau:
- Không để người mang bệnh, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có tuổi xung khắc với người mất đi bốc mộ.
- Không phá long mạch và chọn vị trí cải táng thích hợp.
- Không nên bốc mộ vào ban ngày.
- Nếu thấy có rắn vàng khi đào đất thì đó là long xà khí vật.
- Nếu thấy dây tơ hồng quấn quýt khi mở nắp quan tài thì đó là đất kết.
- Hơi đất nên ấm áp và khô ráo.
- Không được bốc mộ khi thi hài người mất chưa phân hủy hết.
- Chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ các vật dụng cần thiết khi bốc mộ.
- Sắp xếp xương cốt người mất cẩn thận, không để lộn xộn.
Tốt nhất nên chọn thời gian bốc mộ vào ban đêm
Như vậy, nội dung trên đã giúp chúng ta biết bốc mộ cần chuẩn bị những gì và cần thực hiện thủ tục như thế nào trước khi bốc mộ. Song song đó, chúng ta cũng không nên bỏ qua các điều kiêng kỵ khi bốc mộ để tránh phạm phải những điều không tốt trong tâm linh nhé!